Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại.

I have always held firmly to the thought that each one of us can do a little to bring some portion of misery to an end. (Albert Schweitzer)

-----------------------------------------------------------------------

Bắc Ninh: 3 anh em nheo nhóc sống cùng ông bà ngoại bệnh tật khi mẹ chết, bố bỏ đi

(Tổ chức từ thiện Bắc Ninh) Hoàn cảnh bi đát đó là của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi đến thăm gia đình vào một ngày mưa to gió lớn, men theo con ngõ nhỏ vào căn nhà lụp xụp, ẩm thấp là nơi ở của ông bà và 3 người cháu. Trong nhà chẳng có nổi một thứ gì đáng giá cỡ trăm ngàn ngoài cái bàn nhựa để uống nước, thậm chí không có nổi một chiếc giường để nằm.

Cả gia đình gồm 2 ông bà tàn tật cùng 3 cháu sống nheo nhóc trong căn nhà ẩm thấp, lụp xụp

Gặp chúng tôi, bà Thuận òa khóc, nghẹn ngào: “Xin cô hãy giúp lấy các cháu, chúng nó khổ lắm cô ơi, mẹ cháu mới bị chết cách đây nửa năm vì đứt mạch máu não khi đang đi làm công nhân, bố cháu bỏ đi từ khi chúng còn nhỏ…”

Hoàn cảnh bi thương trôi theo nước mắt kể cho người đời, xót xa, cay cực và tuyệt vọng của người bà bất lực vì tương lai khó nuôi nổi các cháu của mình.

Bà Thuận tâm sự, vào một ngày gần cuối năm 2015, nhận được tin con gái đột tử khi đang đi làm công nhân ở một công ty may gần nhà, bà sốc và suy sụp.

Vốn đã mang trong mình căn bệnh động kinh, từ khi con gái mất, bệnh của bà ngày càng trở nặng. “Người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh” đau đớn đến tột cùng nhưng bà vẫn cố gượng sống để lo và chăm sóc cho 3 đứa cháu và người chồng tàn tật.

Tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế nhựa

Bà tiếp tục câu chuyện với tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào cùng với 2 hàng nước mắt đang chảy dài xuống khóe miệng. Từ ngày mẹ cháu mất, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn vì mẹ cháu là lao động chính trong nhà. Biết ông bà không có tiền, anh trai cháu đã phải nghỉ học ở lớp 6, nhường phần đi học cho các em. Để có tiền mua sách vở cho em, anh cháu đã đi xách vữa thuê để đỡ đần bà.

“Tôi thương cháu vô cùng vì là bà ngoại nhưng không lo được cho các cháu, lòng tôi day dứt lắm, nhưng tôi già rồi, lại bệnh tật, chẳng làm được gì. Ông cháu thì bị tai nạn lao động, cụt cả bàn tay phải. Giá như có thêm sức khỏe để tôi làm phần việc đó thay để cháu được đến trường như các bạn cùng trang lứa…”.

Mẹ mất cách đây gần 1 năm vì đột tử, chiếc bàn gấp được trưng dụng làm bàn thờ cho mẹ các em

Xót cháu, muốn cho cháu đi học hết cấp 2 để có cái bằng xin làm công nhân nhưng chẳng còn cách nào. Người ông thì mất khả năng lao động, thu nhập gia đình nếu chỉ trông vào sào ruộng thì không thể sống nổi. Dù muốn làm nhiều việc để có đồng mua thức ăn cho các cháu nhưng lực bất tòng tâm. “Nếu như tôi không bị bệnh, tôi chưa già yếu thì có phải tôi lo được cho các cháu không?” bà Thuận mủi lòng

Ngồi bên bà ngoại, hai cô bé sinh đôi rơm rớm nước mắt mỗi khi kể về cha mẹ. Sinh ra và lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ, không còn nhớ cha mình là ai, rồi một ngày mẹ em sớm ra đi để 3 anh em phải sống côi cút.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Cần, Bí thư chi bộ thôn Doãn Thượng, cho biết: “Gia đình bà Nguyễn Thị Thuận là một trong những hộ nghèo của xã. Thương hoàn cảnh của gia đình, xã cũng làm đề nghị lên trên và được Nhà nước hỗ trợ 2 cháu nhỏ với số tiền 200 nghìn/ tháng. Cũng thương hoàn cảnh các cháu lắm nhưng bà con nơi đây cũng chỉ giúp đỡ và hỗ trợ được phần gọi là rất nhỏ”.

Gần đây, thương cảm với tình cảnh của các cháu, vị sư trụ trì chùa Long Vân, thầy Thích Thánh Xuân giúp đỡ ít nhiều nhưng ngặt nỗi, nhà chùa cũng nghèo nên sự hỗ trợ chẳng được bao nhiêu.

Cậu anh cả đã phải nghỉ học từ năm lớp 6 để tiết kiệm tiền cho 2 em gái sinh đôi đi học, nhưng tương lai của 3 đứa trẻ chẳng biết sẽ ra sao khi ông bà ngoại không còn nữa

Chứng kiến tận mắt hoàn cảnh của gia đình, chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Văng vẳng bên tai chúng tôi là lời của cháu bé: “Mẹ cháu chết rồi, chúng cháu chỉ còn có ông bà thôi. Xin các cô, các chú giúp anh trai cháu đi học, giúp ông bà cháu khỏe mạnh sống với chúng cháu”.

Cô cháu gái nhỏ tiếp tục câu chuyện trong tiếng nghẹn nức nở rồi im lặng nhưng chỉ ít phút sau, lại thấy tiếng cháu nô đùa. Không biết có phải cháu còn quá bé để cảm nhận nỗi đau hay bởi đã đến tận cùng nỗi đau, cháu đã không còn đau nữa?

Một khoảng không trống đến lạnh người khi tận mắt chứng kiến 3 đứa trẻ thơ và ông bà tội nghiệp trong một ngôi nhà tồi tàn, dột nát. Rồi đây, họ sẽ sống thế nào? Họ còn lại gì ngoài nỗi đau, nước mắt và điều gì sẽ đến với họ nếu như không có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ?

Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm, tấm lòng nhân ái xin gửi về:

Bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Doãn Thượng, Xã Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh. Điện thoại: 01632254198.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét