Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại.

I have always held firmly to the thought that each one of us can do a little to bring some portion of misery to an end. (Albert Schweitzer)

-----------------------------------------------------------------------

Hậu Giang: Người mẹ suy tim không tiền chữa sợ xa lìa con thơ

(Tổ chức từ thiện Hậu Giang) “Em chết thì yên phận mình, nhưng còn hai đứa con nhỏ chúng biết nương nhờ vào ai. Những lúc bệnh hành hạ, em ôm ngực nằm gục, hai đứa nhỏ cứ ôm ghì lấy mẹ thi nhau khóc. Hình ảnh chúng ám ảnh tâm trí khiến em sợ không còn cơ hội gặp lại con”.

Chị Nương đang chiến đấu với bệnh tật trong cảnh nghèo và quay quắt nỗi nhớ con

Đó là những lời tâm sự đẫm nước mắt của chị Đỗ Thị Mỹ Nương (27 tuổi, ngụ tại tỉnh Hậu Giang) đang vật lộn với tử thần trên giường bệnh bởi tình trạng suy tim giai đoạn cuối nhưng cảnh nghèo khốn khiến chị không đủ điều kiện bước vào cuộc mổ lớn để giữ lại mạng sống.

Chấp nhận nguy hiểm để giữ con

Chị Mỹ Nương mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh tồn tại ống động mạch. Tuy nhiên, do gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện chữa trị. Đến tuổi trưởng thành, sức khỏe ổn định nên bệnh tạm lắng, chị lên Lâm Đồng làm mướn bằng nghề cạo ruột quả chanh dây và làm móng dạo. Tại đây, chị mang lòng yêu thương rồi thành thân với người cùng cảnh ngộ là anh Huỳnh Hồng Phúc (32 tuổi, ngụ tại tỉnh Hậu Giang).

Đứa con gái nhỏ được chào đời bằng sự đánh đổi nguy hiểm của bản thân người mẹ

Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng là bé Huỳnh Anh (5 tuổi) sức khỏe của người mẹ trẻ bắt đầu xuống dốc. Vợ chồng chị dự định sẽ không sinh thêm con nhưng bị vỡ kế hoạch nên năm 2015 chị mang thai lần thứ hai. Khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ khuyên chị nên bỏ thai để an toàn cho bản thân. Nhưng không đành lòng tước đoạt sự sống của con mình, chị bất chấp nguy hiểm, quyết dưỡng thai cho đến kỳ sinh nở.

Chị Nương bùi ngùi: “Suốt những tháng mang thai em ăn uống kém lại liên tục lên cơn đau tức ngực, khó thở nên cơ thể ốm yếu chẳng làm được việc gì. Mọi gánh nặng cơm áo của cả gia đình và tiền thuê phòng trọ đều dồn lên vai chồng. Đến kỳ sinh nở em về bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, các bác sĩ đề nghị mổ bắt con vì sức em không thể tự sinh được. Con gái của em chào đời cân nặng chỉ có 1,9kg nhưng em phải dùng thuốc điều trị bệnh tim nên không cho con bú được”.

Bác sĩ Phụng cho biết, chị cần được mổ càng sớm càng tốt để giữ lại sinh mạng

Sau khi sinh, bệnh của chị Nương mỗi ngày một nặng thêm, chị liên tục bị ngất xỉu. Để cứu vợ, hơn 4 tháng trước anh Hồng Phúc vay mượn khắp nơi được gần 40 triệu đồng đưa vợ đến bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kỹ thuật bít dù. Những tưởng đã tai qua nạn khỏi, nhưng niềm vui về với các con chưa được bao lâu, bệnh tình của chị Nương lại tái diễn phải nhập viện trở lại.

Cần 70 triệu đồng cứu một mạng người

Ths.BS Đoàn Văn Phụng, khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim cho hay, trước đây chúng tôi chọn phương pháp bít dù để hạn chế tối đa phẫu thuật xâm lấn có thể đe dọa sinh mạng bệnh nhân khi cơ địa của chị đã suy kiệt. Tuy nhiên, ống động mạch quá lớn chiếc dù không đủ để che phủ, áp lực của máu khiến dù bị bung ra. Hiện bệnh nhân đã bị suy tim độ III, cần phải thực hiện mổ hở để cắt và khâu bít hai đầu ống động mạch.

Chị Nương và con gái lớn trước khi bệnh tật bùng phát

Đây là cuộc phẫu thuật lớn, phải sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể kết hợp với điều trị bằng thuốc và kháng sinh dự phòng. Chi phí phẫu thuật lên tới 80 triệu đồng nhưng gia đình mới chỉ tạm ứng được 16 triệu. “Bệnh nhân còn quá trẻ lại có 2 đứa con nhỏ nên chúng tôi đang động viên gia đình cố gắng cho chị phẫu thuật. Tuy nhiên đã gần 1 tháng nằm viện, tiền tạm ứng đang vơi dần song gia đình không thể xoay xở được chi phí. Chúng tôi có thể hỗ trợ tối đa cho người bệnh về chuyên môn, nhưng không có thuốc và thiết bị hỗ trợ thì bác sĩ cũng chẳng thể làm gì được”.

Thu nhập còm cõi mỗi tháng 5 triệu đồng bằng nghề lái xe nâng cho công ty gạch men của anh Phúc lâu nay chỉ đủ giật gấu vá vai nuôi vợ con. Số tiền vay để đưa vợ đi điều trị lần trước còn chưa trả được nên khi nghe bác sĩ thông báo khoản tiền mổ quá lớn, anh Phúc chỉ còn biết nuốt nghẹn nhìn vợ vật vã trên giường bệnh.

Cảnh nghèo khiến anh Phúc chỉ còn biết nuốt nghẹn nhìn vợ đau đớn trên giường bệnh

“Vợ chồng em chẳng có gì ngoài sức lao động của mình, nhưng nay em phải nghỉ việc để chăm vợ nên mất đi nguồn thu nhập. Hai đứa con thì đứa nhỏ mới được 8 tháng đã phải gửi về nhờ bà nội chăm sóc, tiền sữa không lo được nên con bé chỉ ăn cháo cho qua ngày. Đứa con lớn cũng gửi nhờ cô em vợ chăm sóc dùm. Con bé vừa bước vào năm học mới song đến bộ quần áo cũng phải mặc lại đồ từ năm trước, tiền trường em đang xin thiếu nhưng chẳng biết có đóng được cho con không”. Anh Phúc nghẹn ngào.

Những ngày qua anh quay cuồng chạy khắp nơi vay mượn nhưng chỉ được vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng, số tiền ấy đang mỗi ngày một vơi dần theo sự sống héo úa của người vợ trên giường bệnh. Ông Nguyễn Trung Nam, Trưởng ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cho hay, gia đình anh Phúc thuộc diện khó khăn tại địa phương, vợ chồng anh phải bỏ xứ đi làm ăn xa nhưng nay bệnh tật của chị Nương đang đẩy họ vào cảnh cùng đường. Chúng tôi rất mong cộng đồng cứu giúp để hai đứa cháu nhỏ không phải sống kiếp mồ côi”.

Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm xin gửi về:

Anh Huỳnh Hồng Phúc (chồng chị Mỹ Nương), hiện đang chăm chị Nương ở Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.  Điện thoại: 0943945768

0 nhận xét:

Đăng nhận xét