Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại.

I have always held firmly to the thought that each one of us can do a little to bring some portion of misery to an end. (Albert Schweitzer)

-----------------------------------------------------------------------

Phú Thọ: Nỗi đau đớn của người mẹ bất lực nhìn các con lần lượt ra đi

(Tổ chức từ thiện Việt Nam) Sinh được tất thảy 5 người con thì 2 đứa đã ra đi, 1 đứa đang nằm liệt, còn 1 đứa phải duy trì sự sống bằng việc lên bệnh viện thường xuyên điều trị căn bệnh rối loạn đông máu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến bác Tú không còn cách nào khác là vay được tiền mới dám cho con đi viện, còn không thì chấp nhận ở nhà chịu đau đớn.

Con trai út của bác Tú bị rối loạn đông máu nhưng đã nhiều ngày nay không được lên viện điều trị.

Người mẹ đáng thương ấy là bác Nguyễn Thị Tú (Khu 2, xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) mà lâu lắm Tổ chức từ thiện Việt Nam mới lại thấy bác đưa con lên viện. Thân hình gầy rộc với hai mắt trũng sâu, có lẽ là bác ngại nên khi gặp các bác sĩ và cán bộ ở đây bác đều cúi gằm mặt mà đi. Bước theo mẹ là cậu bé Trần Đình Quyết đang giàn giụa nước mắt, là em đang đau vì chân đã sưng tím hết lên rồi bởi một thời gian dài đã không được đi chữa trị. Vội vã và cuống quýt, bác Tú làm theo lời bác sĩ đưa con vào truyền thuốc ngay trước khi các biến chứng xảy ra có thể cướp đi mất mạng sống của con.


Bản thân bác Tú đã mất 2 người con trai cũng vì căn bệnh này.

“Thằng bé nó cũng đau 1 thời gian dài rồi nhưng tôi chưa vay được tiền nên cứ lần khất mãi. Đến hôm qua thì cháu nó đau quá, không thể trì hoãn được nữa nên hôm nay hai mẹ con lại lên viện. Tôi sợ nó lại bỏ tôi đi như hai anh của nó thì tôi chết mất cô ạ”.

Tổ chức từ thiện Việt Nam


Ngồi ở ngoài hành lang bệnh viện trong lúc chờ con truyền thuốc, bác Tú vẫn còn cảm giác run sợ như sắp để tuột khỏi tay của mình thêm 1 đứa con nữa. Nếu như điều đó xảy ra, chắc hẳn bác chẳng thể sống được bởi đã 2 lần chứng kiến các con ra đi, cảm giác ấy với bác đau cho đến tận lúc cuối đời khi trở về với đất. Nước mắt lại rơi xuống, bác nhớ lại: “Con trai cả của tôi sinh năm 1985, cháu mất năm 16 tuổi. Cũng cùng năm đó, con trai thứ 3 sinh năm 1997 lúc đó được 4 tuổi cũng bỏ tôi mà đi sau 1 lần ngã chảy máu quá nhiều. Cháu lớn thì tôi còn có ảnh thờ, cháu nhỏ thì tôi không có, tôi chỉ nhớ khuôn mặt, hình hài của con lúc đó thôi cô ạ.”

Đứa con trai đầu đã mất năm 16 tuổi của bác Tú. Còn con trai thứ 3 mất khi 4 tuổi bác không có ảnh thờ.

Con trai thứ 2 hiện đã bị liệt vì không được đi chữa trị thường xuyên căn bệnh rối loạn đông máu.

Trong cùng 1 năm mất đi 2 người con trai, bác Tú tưởng chừng mình không thể sống tiếp, nhưng còn ánh mắt cầu cứu của em Trần Đình Cương (con trai thứ 3 của bác) bị liệt hoàn toàn từ năm 2003 và sự sống mong manh của em Trần Đình Quyết khiến bác phải nuốt nước mắt vào trong để lo tiếp cho các con. Bệnh của con được bác sĩ cho biết bị rối loạn đông máu, phải lên viện điều trị thường xuyên thì mới bảo toàn được tính mạng và tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra. Nhưng bác không thực hiện được bởi suốt ngày quẩn quanh với đồng ruộng, dù có cố cũng chỉ đủ bát cơm ăn cho các con, còn tiền đi viện, bác không có được.

“Bình thường mẹ phải chăm anh Cương từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh, rồi lại đến em nên cả ngày gần như không có 1 phút nào được nghỉ. Tranh thủ lúc nào hai anh em em khỏe khỏe được tí là mẹ lại ra đồng chăm lúa nên ở nhà đủ ăn là tốt lắm rồi chị ạ”.


Đơn cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình bác Tú

Cậu bé Quyết ngậm ngùi chia sẻ khi bản thân cũng đã nhiều lần “suýt chết” vì ngã chảy nhiều máu. Những lúc đó, em hốt hoảng và vô cùng lo sợ nhưng có lẽ ông trời còn thương nên để em sống đến ngày hôm nay. Nhưng bố mẹ nghèo quá, không có tiền cho đi viện thành ra lúc nào em cũng sống cảnh nơm nớp lo.

Lo lắng và đang tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân, chị Trương Thị Hằng – Cán bộ phòng Công tác xã hội, Viện huyết học truyền máu TW chia sẻ về hoàn cảnh của bác Tú: “Bệnh nhân bị bệnh hemophilia là bệnh rối loạn đông máu di truyền do thiếu hụt yếu tố đông máu. Điều cốt yếu nhất của bệnh này đó là bệnh nhân phải được điều trị đầy đủ, được bổ sung yếu tố đông máu theo định kỳ. Gia đình bác Tú vì quá khó khăn không thể cho con lên viện điều trị thường xuyên được nên chúng tôi cũng rất lo cho tính mạng của Quyết. Chúng tôi tha thiết mong muốn được các nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình bác để cháu Quyết được đến bệnh viện thường xuyên tham gia các đợt điều trị. Bác đã mất đi 2 người con vì căn bệnh này, 1 người con do không được đi viện điều trị nên đã liệt, cậu bé Quyết là hi vọng cuối cùng của gia đình bác nên chúng tôi lại càng trăn trở”.

Bác Tú lo sợ con trai út sẽ bỏ mình mà đi như hai anh trước.

Nghe tâm sự của chị Hằng, chúng tôi cũng không khỏi ái ngại. 2 đứa con đã mất rồi, 1 đứa thì bị liệt, bác chẳng còn hi vọng gì ngoài cậu con trai út nhưng lực bất tòng tâm, bác chẳng có tiền cho đi chữa mặc dù hi vọng để em giữ được mạng sống của mình 1 cách bình thường là nhiều lắm. Gạt ngang dòng nước mắt, bác xin phép đứng dậy rồi lại ngẩn ngơ ở cửa phòng bệnh của con mãi không thôi… Bác vừa mới lên thôi mà, nhưng sờ trong túi còn vài nghìn lẻ, bác định bụng có lẽ chiều hai mẹ con lại về cho dù chai thuốc của con còn đang truyền dở.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bác Nguyễn Thị Tú (Khu 2, xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Điện thoại: 0165 485 0654

Xem bài khác của Tổ chức từ thiện Việt Nam: