Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại.

I have always held firmly to the thought that each one of us can do a little to bring some portion of misery to an end. (Albert Schweitzer)

-----------------------------------------------------------------------

Thanh Hóa: Bước đường cùng của người phụ nữ độc thân mang căn bệnh suy tim

(Tổ chức từ thiện Thanh Hóa) Không nhà cửa, không chồng con, cuộc sống của người đàn bà ấy bao năm qua chỉ gắn với bệnh viện, thuốc men. Giờ đây, khi căn bệnh đã quá nặng chị được chỉ định ra Hà Nội điều trị nhưng vì không có tiền, chị đành cắn răng chịu đau đớn và âm thầm chờ đợi cái chết.

50 tuổi, chị có hơn 30 năm sống chung với căn bệnh hẹp hở van tim

Người đàn bà khốn khổ ấy tên là Lê Thị Thanh (thôn 11, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Gặp tôi, người đàn bà ấy khóc nói rằng chị bất lực rồi, chị không biết phải làm thế nào để sống tiếp khi mà mỗi ngày trôi qua, bệnh tật hành hạ, sức khỏe yếu, không thể lao động được gì để nuôi sống bản thân chứ nói gì đến có tiền chữa bệnh.

Có lẽ hàng chục năm chống chọi với bệnh tật nên trông chị tiều tụi đến đáng thương. Khuôn mặt hốc hác cùng với thân hình nhỏ thó, chỉ da bọc xương, không còn sức sống. Đôi tay với những đường gân guốc, những vết tiêm, chuyền thâm xì nổi lên khiến ai nhìn cũng cảm thấy xót xa.

Xót xa hơn đó là khi trong cùng phòng bệnh có bao nhiêu bệnh nhân đều có người nhà chăm sóc, người có chồng, người có con có cháu nhưng chị thì không. Bao năm qua chỉ cứ lủi thủi một mình lê thân xác đi chữa trị như thế. Khi không thể bước đi nổi chị lại nhờ các điều dưỡng, y tá bệnh viện mua giúp đồ ăn, thức uống.

Tay chân chị chằng chịt những vết tiêm chuyền, kết quả của hàng chục năm sống chung với bệnh

50 tuổi nhưng chị có đến hơn 30 năm sống chung với căn bệnh hở hẹp van tim, đau mạch vành. 50 tuổi, đến căn nhà để ở chị cũng không có, phải ở nhờ nhà người chị gái. Chị gái chị cũng nghèo, cũng không có chồng và cũng ốm đau quanh năm. Bố mẹ chết sớm, vợ chồng anh trai đều bị mù.

Nghèo khó, không cậy nhờ được ai, không có tiền để mổ, bao năm qua chị chấp nhận sống chung với bệnh. Căn bệnh hẹp hở van tim của chị giờ đây đã chuyển sang giai đoạn suy tim cấp độ 4. Lúc còn có sức để đi chị thường đi mua trứng gà, vài bó rau vặt bán lại kiếm đồng ra đồng vào mua thuốc. Những khi bệnh tái phát chị lại nhịn ăn, nhịn mặc sống bằng đồng tiền của hàng xóm gom góp để chữa bệnh. Hết bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh lại quay về quê với cơm, muối mà không có nguồn thu nhập.

Bệnh viện tỉnh cách nhà hơn 30 cây số, một mình chị cứ bắt xe bus đi đi về về, có những khi chưa kịp bước chân lên xe chị đã ngã khụy, lúc đó chị lại phải nhờ đến bà con hàng xóm. Người đàn bà ấy chỉ khát khao được bàn tay chăm sóc của chồng con, khao khát có bờ vai để tựa vào lúc sức cùng lực kiệt, khao khát một ngày được khỏe mạnh… nhưng những khát khao của chị thật sự xa xỉ, chẳng bao giờ có được.

Người đàn bà ấy dù bệnh tật nhưng không một ai bên cạnh chăm sóc

Bệnh tật là vậy nhưng chị đâu dám nằm viện, cứ điều trị thấy bước chân còn có thể bước được chị lại xin về vì không có tiền, không người chăm sóc. Có những lúc đi viện mà trong người chị không có nổi 20 nghìn đồng. Chị bảo đã có lúc chị tặc lưỡi nghĩ đến cái chết, chỉ cần một liều thuốc là chị có thể vứt bỏ mọi khổ đau, mọi bệnh tật trên đời nhưng rồi chị không có đủ can đảm để vượt qua những ý nghĩ ấy, chị lại sống, lại chịu đựng.

Giờ đây, căn bệnh càng ngày càng nặng, chị được chỉ định ra bệnh viện tim mạch Trung ương để điều trị nhưng chị bảo làm sao mà chị đi được. Không tiền bạc, không người chăm sóc, với tấm thẻ bảo hiểm y tế của hộ nghèo, chị cũng không thể đủ điều kiện phẫu thuật. Chị lại quay về xin lấy thuốc nam để duy trì sự sống.

Câu chuyện giữa chị và tôi phải đứt đoạn vì những cơn ho rũ rượi và chị mệt đến mức thở cũng không nổi.

“Nhiều lúc chị chỉ muốn chết quách đi thôi. Cả cuộc đời chị khổ quá rồi, bố mẹ thì chết sớm, bệnh tật thì hành hạ. Chị thèm khát một ngày được khỏe mạnh thôi mà khó quá. Chị cũng không biết rồi những ngày tiếp theo sẽ ra sao nữa. Người ta còn có chồng, có con mà dựa vào, chị không biết phải bấu víu vào đâu để sống tiếp nữa đây” – chị khóc, những giọt nước mắt tủi phận rơi rớt xuống khuôn mặt già nua héo úa trông đến tội nghiệp.

Chia tay chị, tôi cứ ám ảnh cái ý nghĩ của người đàn bà cô độc đã túng quẫn đến mức: chỉ cần một liều thuốc là chấm dứt mọi khổ đau, mọi bệnh tật trên cõi đời này…

Tổ chức từ thiện Việt Nam kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, xin gửi về:

Chị Lê Thị Thanh (thôn 11, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Điện thoại: 01663478606

0 nhận xét:

Đăng nhận xét